Ngày 11/6/2012, Apple lần đầu tiên ra mắt MacBook Pro màn hình Retina. Thời điểm đó trên thị trường không có nhiều laptop sở hữu màn hình độ phân giải vượt mức Full-HD nên người ta vẫn mong chờ một ngày nào đó màn hình máy tính cũng nhìn ngon như màn hình điện thoại, và MacBook Pro là một trong những chiếc đầu tiên đáp ứng chuyện này. Theo sau MacBook Pro Retina, các nhà sản xuất Windows bắt đầu tích cực hơn trong việc làm laptop độ phân giải cao để rồi chúng ta có những sản phẩm 2K, 4K như hiện tại. Từ hôm nay dòng MacBook Pro Retina đầu tiên đã chấm dứt vòng đời của mình, các trung tâm bảo hành sẽ từ chối nhận máy để sửa chữa, MacBook Pro cũng đã có thiết kế mới, nhưng vai trò của dòng 2012 sẽ luôn còn đó.
Mình còn nhớ năm 2012 cũng là lúc mình cần đổi laptop, nên khi nghe tin đồn Apple làm mỏng MacBook Pro trước khi diễn ra sự kiện WWDC 2012 là đã cảm thấy rất hào hứng. Khi biết chiếc máy này sở hữu màn hình Retina - cụm từ Apple dùng để diễn tả việc bạn không cảm thấy cảm giác rỗ trên màn hình nhờ độ phân giải rất cao - mình đã chốt luôn quyết định mua con máy này để xài.
Nhưng có 2 rào cản lớn để tiếp cận chiếc MacBook Pro Retina 2012. Thứ nhất là giá cao, 2200$ (đời 2013 trở đi Apple giảm xuống còn 2000$) cho cấu hình cơ bản nhất. Mức giá này ở năm 2012 không hề rẻ, thậm chí tới bây giờ nó vẫn là một con số cực kì cao cho một chiếc laptop. Nhưng xem xét những gì nó có thể đem lại cho mình, cộng thêm tuổi thọ MacBook Pro có thể xài 4-5 năm mà không gặp vấn đề gì, mình quyết định sẽ đầu tư cho nó.
Khoan khoan, không phải có tiền là mua được. Thời gian đầu MacBook Pro Retina 2012 được sản xuất với số lượng cực kì hạn chế, toàn thế giới hiếm hàng. Nguyên nhân là các nhà sản xuất màn hình cho Apple - khi đó có LG và Samsung - chỉ mới bắt đầu việc làm ra tấm nền LCD laptop độ phân giải cao, sản lượng chưa đạt như mong muốn của Apple và cũng gặp nhiều vấn đề về chất lượng (đợt MacBook Pro dùng màn hình LG bị hiện tượng bóng ma phải đem đi bảo hành). Việc tìm mua được một con máy này là cực kì khó, nhất là ở Việt Nam lúc ấy chỉ có đường xách tay mới mua được máy sớm.
Vài tuần trôi qua, mình đi hỏi nhiều chỗ bán thiết bị, những cửa hàng chuyên Mac nhưng không nơi nào có hàng, thậm chí nhờ người thân xách từ Mỹ về cũng không có hàng luôn. Mình nhớ là phải tới đầu tháng 7 cửa hàng mình đặt cọc mới gọi lại cho mình báo có hàng, thế là tức tốc chạy ra lấy máy và trải nghiệm. Quá phêlần đầu xài laptop mà màn hình đẹp đến thế trong khi vẫn đảm bảo độ mỏng.
Nhưng quan trọng hơn, MacBook Pro Retina 2012 đã khiến các hãng Windows phải thay đổi và bắt đầu đưa màn hình độ phân giải cao lên nhiều máy hơn. Mình còn nhớ nhiều mẫu máy cao cấp Windows thời đó mà cũng chỉ dừng lại ở 1600 x 900 hoặc ngon lắm thì 1920 x 1080 mà thôi (ví dụ: VAIO Z, Dell XPS 13 - nhưng phải option thêm, cấu hình mặc định không có). Một phần khác cũng là do Windows chưa tối ưu cho màn hình độ phân giải cao nên cũng xài không nổi, chữ và icon bé li ti nhìn khổ lắm. Phải tới Windows 10 thì màn hình độ phân giải cao mới hiển thị ngon và đảm bảo tính tương thích xuyên suốt hệ thống.
Trong khi đó, MacBook Pro Retina đạt mức 2880 x 1800 rồi, tức trên 5 triệu pixel. Thời đó Apple mạnh dạng tuyên bố chiếc laptop của họ là laptop có độ phân giải cao nhất thị trường. Một năm sau, chiếc MacBook Pro Retina có thêm bản 13" và dần dần mọi dòng máy tính của Apple đều được trang bị màn hình kiểu này, chỉ còn mỗi MacBook Air là chưa vì lý do chi phí.
Cấu hình mỏng trong một thiết kế mỏng nhẹ cũng là điểm làm mình ấn tượng với chiếc MacBook Pro Retina 2012. Thời ấy máy mạnh đồng nghĩa với dày và to nên mang vác khá là cực khổ. Một trong những lý do Apple có thể làm máy mỏng là hãng đã bỏ ổ đĩa quang, thứ vẫn còn tồn tại trên đa số laptop Windows thời đó. Tất nhiên thời đó nhiều khi vẫn cần dùng đĩa nhưng chỉ tầm 1 năm sau là mình đã không còn nhớ đến CD hay DVD nữa.
Thiết kế của MacBook Pro Retina 12 cũng được giữ nguyên cho đến năm 2015. Thực ra nó cũng kế thừa lại của MacBook Unibody từ năm 2009 rồi. Đây là điểm cực kì đặc trưng mà bạn chỉ tìm thấy ở MacBook, các hãng Windows thường phải thay đổi thiết kế thường xuyên nhưng Apple thì vẫn giữ form cũ và chỉ làm mỏng đi hoặc đổi màu mà thôi.
MacBook Pro Retina cũng là mẫu máy đầu tiên mà Apple chịu tích hợp sẵn cổng HDMI, trước đó Apple nhất định nói không với cổng xuất hình ảnh này và chỉ dùng Thunderbolt - Mini DisplayPort mà thôi nên rất bất tiện, phải luôn đem theo cái adapter mỗi lúc cần xuất hình ảnh ra ngoài. Cái này là cái mà MacBook thua Windows từ trước, phải tới tận năm 2012 mới khắc phục.
Bye bye MacBook Pro Retina 2012!
HuyiMACBOOK.VN - TRUNG TÂM DỊCH VỤ APPLE TẠI ĐÀ NẴNG
Số 10 Văn Cao - P. Vĩnh Trung - Q. Thanh Khê, TP. Đà Nẵng
((83 Hàm Nghi rẽ vào, Ngay bờ hồ Hàm Nghi. Khu trung tâm kỷ thuật số)
0905.113922 - 0898.222277